Thông tư với nhiều điểm mới có hiệu lực thi hành từ 1/6. Theo đó, ngoài việc học viên được lựa chọn học lý thuyết online thì Thông tư 05 cũng bổ sung nhiều trường hợp bị thu hồi giấy phép lái xe.

Đại diện Phòng Quản lý phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết: Thông tư 05 bổ sung nhiều trường hợp bị thu hồi giấy phép lái xe. Trong đó, có quy định: Nếu bị phát hiện cho người khác mượn giấy phép lái xe thì có thể bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi.

Cụ thể, tại Khoản 14 Điều 4 của Thông tư quy định cụ thể 6 trường hợp bị thu hồi giấy phép lái xe:

Người lái xe có hành vi gian dối để được cấp giấy phép lái xe;

Người lái xe tẩy, xóa, làm sai lệch các thông tin trên giấy phép lái xe;

Để người khác sử dụng giấy phép lái xe của mình (quy định mới);

Cơ quan có thẩm quyền cấp cho người không đủ điều kiện (quy định mới);

Có sai sót một trong các thông tin về họ tên, ngày sinh, quốc tịch, nơi cư trú, hạng giấy phép lái xe, giá trị cấp, ngày trúng tuyển, người ký (quy định mới);

Thông qua việc khám sức khỏe cơ quan có thẩm quyền xác định trong cơ thể người lái xe có chất ma túy (quy định mới).

“Ngoài ra, người có hành vi vi phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và không được cấp giấy phép lái xe trong thời hạn 5 năm kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm. Nếu có nhu cầu cấp lại giấy phép lái xe phải học và sát hạch lại như trường hợp cấp giấy phép lái xe lần đầu”, đại diện Phòng Quản lý phương tiện và người lái nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, trong quá trình xử lý vi phạm, một số đơn vị ghi nhận hiện tượng tài xế mượn giấy phép lái xe của người khác để làm thủ tục xử lý. Tuy nhiên, đây chỉ là các trường cá biệt, không xuất hiện nhiều.

Còn theo Trung tá Phạm Văn Chiến, Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội), trong thực tế tuần tra, kiểm soát, kiểm tra trực tiếp giấy tờ liên quan đến phương tiện, tài xế thì đơn vị chưa phát hiện trường hợp nào sử dụng giấy phép lái xe của người khác.

"Việc thông tư mới xử lý nghiêm hành vi cho mượn giấy phép lái xe sẽ răn đe các tài xế có ý định cho thuê, mượn bằng lái để xử lý vi phạm giao thông”, Trung tá Phạm Văn Chiến đánh giá.

Ủng hộ quy định thu hồi bằng lái nếu cho người khác mượn, lái xe Nguyễn Văn Mạnh (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, khi bị cảnh sát giao thông kiểm tra giấy tờ một số tài xế khai “để quên ở nhà”, lúc bị lập biên bản xử phạt sẽ dùng tên khác.

“Nếu việc khai man không bị phát hiện mà vi phạm đến mức phải thu bằng thì bằng lái xe đó là của người khác chứ không phải của người vi phạm. Thông tư này sẽ làm cho người có ý định cho mượn hoặc thuê bằng lái cũng phải dè chừng", anh Mạnh nói.

Tuy nhiên theo anh Mạnh, thông tư chưa đề cập đến việc xử lý người mượn, thuê bằng. “Tôi nghĩ đây là hành vi gian dối có chủ đích cần được ngăn chặn kịp thời, thậm chí cũng phải thu bằng lái”, anh kiến nghị.

Học lý thuyết online

Theo quy định hiện hành, tại Khoản 2, Điều 8, Thông tư 12 thì người có nhu cầu cấp giấy phép lái xe và các hạng F phải được đào tạo tập trung tại cơ sở được phép đào tạo và phải qua kiểm tra cấp chứng chỉ sơ cấp hoặc chứng chỉ đào tạo.

Trong thời hạn trên 1 năm kể từ ngày cơ sở đào tạo kết thúc kiểm tra, xét công nhận tốt nghiệp khóa đào tạo, nếu không kiểm tra cấp chứng chỉ sơ cấp hoặc chứng chỉ đào tạo thì phải đào tạo lại theo khóa học mới.

Tuy nhiên, tại Điểm a, Khoản 4, Điều 4, Thông tư 05, quy định đã được sửa đổi. Người có nhu cầu cấp giấy phép lái xe hạng B2, C, D, E và các hạng F có thể chọn học lý thuyết theo những hình thức như: Tập trung tại cơ sở đào tạo; tập trung tại cơ sở đào tạo kết hợp với đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn; đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn.

Riêng đối với các môn: cấu tạo và sửa chữa thông thường, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, kỹ thuật lái xe, thực hành lái xe phải học tập trung tại cơ sở đào tạo.

Ngoài ra, trong thông tư cũng quy định rõ thời gian học lái xe ban đêm được tính từ 18h ngày hôm trước đến 5h sáng hôm sau.